Hiểu hơn về “Quy trình chăm sóc của dược sĩ lâm sàng”

0
1558

Tại các nước có ngành dược lâm sàng phát triển, người dược sĩ lâm sàng làm việc với sự phối hợp chặt chẽ với thành viên khác trong nhóm điều trị (bác sĩ, điều dưỡng) để quản lý điều trị thuốc toàn diện cho từng người bệnh cụ thể nhằm tối ưu hoá kết quả điều trị. Sự phối hợp này được thực hiện xuyên suốt với nhiều bối cảnh lâm sàng khác nhau.
Quy trình chăm sóc của dược sĩ lâm sàng bao gồm các nội dung chính như sau:
(1) Đánh giá bệnh nhân: Dược sĩ lâm sàng đánh giá nhu cầu điều trị thuốc của bệnh nhân
– Xem hồ sơ bệnh án, sử dụng khung định hướng theo vấn đề (giải thích và phân tích thông tin khách quan và chủ quan) để xác định tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
– Tiếp xúc người bệnh/thân nhân người bệnh để ghi nhận và hoàn chỉnh bệnh sử liên quan đến tất cả loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng (bao gồm liều lượng và đường dùng), hành vi uống thuốc, tuân thủ, dị ứng, thái độ và trải nghiệm với liệu pháp điều trị bằng thuốc.
– Ghi nhận, sắp xếp và giải thích các dữ liệu liên quan đến sử dụng thuốc của bệnh nhân
– Chọn những vấn đề ưu tiên và nhu cầu của người bệnh về điều trị thuốc
(2) Đánh giá điều trị thuốc: Dược sĩ lâm sàng xác định chiến lược để tối ưu điều trị thuốc cho từng bệnh nhân cụ thể:
– Cùng với các thành viên khác của nhóm điều trị, dược sĩ lâm sàng đánh giá sự thích hợp của các thuốc đang dùng của người bệnh trên cơ sở tình trạng sức khoẻ, chỉ định và mục tiêu điều trị của mỗi loại thuốc đang sử dụng.
– Lượng giá hiệu quả, an toàn, và khả năng chi trả của người bệnh với mỗi loại thuốc
– Đánh giá hành vi uống thuốc và tuân thủ từng loại thuốc của người bệnh
– Xác định các vấn đề liên quan đến thuốc và cùng với các thành viên trong nhóm điều trị xác định nhu cầu cần can thiệp.
(3) Xây dựng và thực hiện kế hoạch chăm sóc: Dược sĩ lâm sàng phối hợp với người bệnh/thân nhân người bệnh xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm tối ưu hoá hiệu quả điều trị thuốc
– Nhắc lại các vấn đề liên quan đến diễn biến lâm sàng của bệnh nhân để thông tin và hướng dẫn về kế hoạch tối ưu hoá điều trị thuốc phù hợp với cá nhân người bệnh
– Phối hợp với nhóm điều trị xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý thuốc toàn diện để đạt được kết quả chuyên biệt cho bệnh nhân
– Hướng dẫn cho người bệnh/thân nhân người bệnh (cả bằng nói và viết) nhằm đảm bảo hiểu kế hoạch chăm sóc, tuân thủ và cải thiện kết quả điều trị
– Phối hợp với nhóm điều trị, xây dựng khung thời gian và các thông số đo được đặc hiệu cho người bệnh để theo dõi và giám sát
(4) Đánh giá việc theo dõi điều trị thuốc của người bệnh: Dược sĩ lâm sàng cùng với các thành viên trong nhóm điều trị thực hiện đánh giá việc theo dõi người bệnh
– Phối hợp với các thành viên trong nhóm điều trị đảm bảo việc theo dõi người bệnh đã đưa ra và kế hoạch gặp lại theo diễn biến bệnh và nhu cầu liên quan đến sử dụng thuốc cho người bệnh.
– Xem lại hồ sơ bệnh án để cập nhật tình trạng lâm sàng của bệnh nhân và gặp lại bệnh nhân/thân nhân người bệnh để cập nhật bệnh sử dùng thuốc nhằm xác định, đánh giá và ghi lại những vấn đề và nhu cầu mới liên quan đến thuốc.
– Tiến hành đánh giá liên tục và tinh chỉnh lại kế hoạch chăm sóc để tối ưu hóa điều trị thuốc và đảm bảo các mục tiêu cá nhân của người bệnh đạt được
– Theo dõi, bổ sung, ghi hồ sơ và quản lý kế hoạch chăm sóc với sự phối hợp của nhóm điều trị và cả người bệnh.

Theo Sở Y tế TP.HCM

SHARE